Social Icons

Pages

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Lịch sử của những đôi dép huyền thoại ở Việt Nam

Không phải là những phụ kiện thời trang hợp mốt, nhưng những đôi dép này có rất nhiều ý nghĩa với đại đa số người dân Việt Nam.


Với nhiều người, dép tông, dép tổ ong... đều là những đôi dép ngon, bổ, rẻ mà ta vẫn hay đi hàng ngày.

Nhưng có lẽ không mấy ai biết rằng, chúng ta đều đang sở hữu những đồ vật có giá trị lịch sử lớn trên tay. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về những đôi dép gắn bó với kỷ niệm của nhiều người Việt Nam.

1. Đôi dép Bác Hồ

Hẳn không ít bạn đã từng một lần nhìn thấy đôi dép cao su màu đen - món đồ theo chân Bác Hồ và chiến sĩ xưa từng leo rừng, lội suối kia suốt bao dặm đường. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, đôi dép ấy có gì đặc biệt chưa?

Đôi dép cao su này còn có khá nhiều tên gọi khác như dép lốp, dép râu hay dép Bình Trị Thiên.
Nhiều nguồn tin cho rằng, Đại tá Hà Văn Lâu là tác giả của ý tưởng đôi dép trên. Nhưng chính ông thừa nhận, mình đã học hỏi và cải tiến từ phương pháp mà những người phu xe thường sử dụng. Theo đó, họ dùng mo cau hay vỏ bánh xe kéo hỏng để chế tạo ra những đôi dép.

Năm 1947, nhận thấy ông Nguyễn Văn Sáu có một số xăm lốp ô tô cũ, Đại tá đã đề nghị ông Sáu chế tạo những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ - êm, lội nước và bùn rất thuận tiện, bảo vệ bàn chân trong nhiều trường hợp.

Dép lốp cao su dễ làm, giá thành lại rẻ phù hợp với điều kiện kinh tế khi nó xuất hiện và nhất là dễ sử dụng trong mọi địa hình, thời tiết - trời nắng thì thoáng mát, trời mưa thì không lo ướt chân. Bên cạnh đó, dép cao su lại cực thuận tiện trong việc vệ sinh - khi dính bùn đất chỉ cần rửa nước là sạch.

Hình ảnh một bác bộ đội đang đóng lại đôi dép lốp

Trong khoảng thời gian cuối của Chiến tranh Việt Nam và trong thời kỳ 1975-1990, người Việt Nam không chỉ sử dụng săm lốp ô tô hỏng để làm dép cao su mà còn sử dụng phương pháp đúc cao su thành đế dép và quai dép.

Giai đoạn năm 1970 - 1985, sở hữu một đôi dép cao su đúc cùng bộ trang phục gồm mũ cối, bộ quân phục xuân hè dài tay bằng vải kaki Tô Châu hay kaki Nam Định màu xanh lá cây tươi, thắt lưng da quân dụng trở thành "mốt" của thanh niên Việt Nam.

Sự tiện lợi của đôi dép lốp đã phần nào giúp nó trở nên phổ biến và là biểu tượng của chiến sĩ Việt Nam thời bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần sử dụng dép lốp trong sinh hoạt thường ngày, thậm chí Người còn dùng trong một số trường hợp ngoại giao. Bởi vậy, nhiều người đã ưu ái đặt tên đôi dép này là đôi dép Bác Hồ.

Dép lốp ngày nay có thể mang hơi hướng "nghệ thuật" hơn

Tuy ngày nay, những đôi dép lốp không còn được sử dụng phổ biến nhưng với nhiều người, đôi dép Bác Hồ vẫn mang nhiều giá trị và là vật lưu niệm vang bóng một thời của con người Việt Nam.

2. Dép tổ ong

Bạn có hay, đôi dép nào đặc biệt được người dân miền Bắc sử dụng nhiều trong thập niên 80 của thế kỷ XX? Câu trả lời chính là đôi dép tổ ong huyền thoại.

"Tổ ong ngàn lỗ" - huyền thoại một thời của người dân Việt Nam

Mẫu dép tổ ong đầu tiên được sản xuất bởi Xí nghiệp nhựa Hải Phòng, mang nhãn hiệu Tiền Phong. Dép làm bằng cao su tự nhiên, màu trắng hoặc vàng ngà, dày dặn, thiết kế đơn giản với quai có nhiều lỗ giúp đôi chân thông thoáng.

Nhờ tính tiện lợi, bền và phù hợp với mọi đối tượng, loại dép này sớm phổ biến tại các gia đình vào thập niên 80-90.

Giá bán lẻ dép tổ ong thời kỳ này tùy thuộc vào xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, dép nhựa Tiền Phong được cho là tốt nhất và có giá đắt hơn cả. Một khách hàng kể lại, năm 1987, để mua được 2 đôi dép cho 2 bố con, mẹ anh đã phải bán tới 15 buồng chuối.

Đôi dép gắn liền với tuổi thơ

Chính nhờ kiểu dáng phổ thông và yếu tố tiện lợi, dép tổ ong suốt thời gian dài trở thành sản phẩm thịnh hành nhất trên thị trường.

Bên cạnh đó, thời kỳ thập niên 80 - 90, mẫu mã giày dép chưa phong phú cũng là yếu tố giúp sản phẩm này được tiêu thụ mạnh.

Ngoài ra, do gắn bó với nhiều thế hệ khách hàng, đôi dép "có giá bằng gần chục buồng chuối" còn trở thành thứ đồ vật thiết thân quen thuộc, thậm chí là biểu tượng về phong cách sống của không ít người trong thời kỳ ấy.

Nhiều người coi dép tổ ong là “huyền thoại” không phải vì mẫu mã hay giá thành mà nhờ sự thân thuộc với người tiêu dùng.

Sau hơn 30 năm được tiêu thụ mạnh tại thị trường nội địa, dép tổ ong hiện vẫn là một trong những mẫu sản phẩm bán chạy.

Tuy nhiên, dưới áp lực cạnh tranh của hàng trăm ngàn mẫu giày dép nội, ngoại nhập khác, đôi dép tổ ong "huyền thoại" ngày nào không còn được ưu ái sử dụng như trước.

3. Dép tông

Dép tông (hay còn gọi là dép xỏ ngón, tông Lào) là một loại dép khá thoáng mát, gồm đế bằng và một chiếc quai hình chữ Y để người đi dép xỏ kẽ chân giữa ngón chân cái và ngón chân bên cạnh vào. Mặc dù dép tông ôm chân khá lỏng lẻo nhưng rất khó để có thể bị tuột ra.

Đôi tông Lào - một trong những món "hàng hiệu" thời bao cấp

Bạn có hay, dép tông đã xuất hiện từ... 6.000 năm trước và được thay đổi, cải tiến theo từng thời kỳ, khu vực khác nhau. Ở Ai Cập, dép tông được làm từ lá cọ và cói, ở Trung Quốc hay Malaysia - dép được làm bằng rơm rạ, trong khi tại Nhật Bản, sản phẩm này được làm bằng gỗ.

Những đôi tông Nhật Bản

Sẽ không sai khi nói rằng, đôi dép này là một trong những đôi dép nổi tiếng nhất thế giới. Bởi lẽ, chúng có rất nhiều tên gọi khác nhau và được nhiều quốc gia ưa chuộng.

Người Úc và người Mỹ gọi dép tông là "thongs" trong khi người New Zealand đặt tên cho loại dép này là jandals, hay nếu đến Nam Phi, đôi dép này có tên gọi là slip-slops...

"Tông lào" hiện vẫn được một bộ phận người dân tin dùng

Còn ở Việt Nam, những đôi dép này có tên là "tông Lào". Sở dĩ chúng có tên gọi như vậy là bởi thời xưa, những người Lào buôn bán ở khu vực Quảng Trị, Nghệ An... ai cũng đi loại tông này. Bởi vậy, chúng ta gán luôn chữ “Lào” cho đôi dép như một cách để phân biệt với các loại dép khác.

Đôi dép tông bây giờ đã có nhiều màu sắc, mẫu mã, trở thành phụ kiện "ngon-bổ-rẻ" cho giới trẻ

Tuy đơn giản và có thể kết hợp linh hoạt với nhiều loại trang phục khác nhau nhưng dép tông không thực sự tốt cho đôi chân.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại đến mắt cá chân, bàn chân... chúng ta khi đi dép tông quá nhiều. Vậy nên tốt nhất bạn hãy tránh đi tông quá lâu, đặc biệt bạn không nên chọn những đôi tông có đế, hay làm bằng chất liệu kém chất lượng.

 Nguồn: Wikipedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét