Social Icons

Pages

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Sẽ ra sao nếu bạn không thể cảm nhận được mùi hương?

Đã bao giờ bạn tự hỏi, cuộc sống sẽ ra sao nếu như bạn không có khả năng cảm nhận mùi hương của vạn vật xung quanh?

Tạo hóa ban cho con người 5 giác quan để có thể cảm nhận cuộc sống một cách đầy đủ và chân thực: thị giác để nhìn, thính giác để nghe, khứu giác để ngửi, xúc giác để trải nghiệm những loại cảm giác khác nhau còn vị giác dùng để nếm.

Liệu bạn đã thử tưởng tượng nếu một ngày khứu giác không thể hoạt động thì mọi thứ sẽ ra sao? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tưởng tượng một cuộc sống mà không có mùi hương sẽ như thế nào.

Khứu giác hoạt động như thế nào?

Bạn có biết, những phân tử mùi của vật sẽ lẫn vào không khí rồi sau đó đi vào bên trong khoang mũi chúng ta. Tại đây, các phân tử mùi sẽ “gặp gỡ” và được hấp thụ bởi dung dịch chất nhầy. Đây là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình nhận biết mùi của mũi người.

“Ẩn nấp” trong chất nhầy của khoang mũi là hàng triệu tế bào thụ thể khứu giác được dẫn trực tiếp tới bộ não. Sau khi mùi được xử lý, những thông tin sẽ được gửi đến các bộ phận khác nhau của não bộ, bao gồm cả khu vực liên quan đến bộ nhớ và cảm xúc, tới vỏ não - nơi tư duy diễn ra. Quá trình xác định mùi và nguồn gốc của mùi sẽ được thực hiện tại đây.



Từ trước tới giờ người ta cho rằng, mũi người có thể phân biệt được 10.000 loại mùi hương khác nhau. Tuy nhiên theo Trung tâm Monell Chemical Senses - viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về nghiên cứu khứu giác và vị giác ở Philadelphia cho rằng, con số này có thể lên tới 1.000 tỷ mùi.

Tại sao khứu giác lại có thể ngưng hoạt động?

Người ta ước tính rằng, có tới hàng triệu người trên thế giới bị mất khứu giác. Một số người sinh ra đã bị khiếm khuyết các tế bào của giác quan này, một số người khác lại đánh khả năng ngửi do hoàn cảnh cuộc sống.


Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho hiện tượng này. Đối với đa số trường hợp, khứu giác bị mất chức năng do bệnh viêm xoang mãn tính.

Bên cạnh đó, một số người có cấu tạo mũi đặc biệt khi những dây thần kinh khứu giác được đặt ở dưới gần lỗ mũi nên rất dễ bị tổn thương.

Ngoài ra còn một số ít trường hợp con người mất khả năng nhận biết mùi do tuổi tác, hoặc bộ phận xử lý thông tin về mùi trong não bị tổn hại.



Sự tổn hại này có thể diễn ra do cơ thể người mắc những căn bệnh về não, hoặc não bộ gặp phải những va chạm do tai nạn. Các tế bào thần kinh khứu giác được kết nối với não thông qua một tấm lưới lọc. Khi hộp sọ bị va đập, não bộ sẽ đè lên hoặc thậm chí cắt đứt tấm lưới lọc này, khiến những thông tin về mùi lên não bị ngăn chặn.

Những điều có thể xảy ra nếu khứu giác không hoạt động?

Có một điều mà ít ai biết tới, đó là việc khứu giác đôi khi cũng có thể dùng để cảm nhận được trạng thái cảm xúc của con người. Rất nhiều nhà khoa học đều đồng tình với ý kiến rằng, con người có khả năng dự đoán cảm xúc của người khác chỉ bằng cách ngửi mùi.



Nhà nghiên cứu Gun Semin và các đồng nghiệp của ông tại Đại học Utrecht (Hà Lan) đã thực hiện một thí nghiệm trên các sinh viên.

Ông cho các tình nguyện viên xem những bộ phim khác nhau và thu lại mẫu mồ hôi của họ. Kết quả là, cơ thể người có thể sản sinh ra các mùi khác nhau tùy vào tâm trạng.



Vì vậy nếu như khứu giác không hoạt động, ta rất khó có thể cảm nhận được trạng thái tình cảm của đối phương một cách chính xác, bởi những gì họ thể hiện ra bên ngoài không đủ để khẳng định.

Bên cạnh đó, mùi còn giúp con người thay đổi tâm trạng và hành vi. George Preti tại viện nghiên cứu Monell đã phát hiện ra rằng, chất chiết xuất từ mùi cơ thể nam không chỉ ảnh hưởng đến sinh lý nữ, làm thay đổi lượng hormone trong chu kỳ kinh nguyệt mà còn khiến phụ nữ cảm thấy thoải mái và ít căng thẳng hơn.

Do đó nếu không còn khả năng cảm nhận mùi, phụ nữ sẽ mất đi một phương pháp giảm stress tuy lạ lùng mà vô cùng hiệu quả dựa vào nam giới.

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Nhìn chằm chằm vào mắt người khác quá lâu sẽ khiến bạn bị ảo giác đáng sợ


Thế giới quanh ta vẫn còn rất nhiều hiện tượng lạ và nhiều điều thú vị cần được giải đáp, và công cuộc thí nghiệm của Caputo là một trong số có thể giúp chúng ta có thể hiểu được thêm về vấn đề ảo giác.
Nhìn chằm chằm vào mắt ai đó trong một thời gian đủ lâu sẽ khiến bạn đi vào tình trạng mất ý thức. Giovanni Caputo, một nhà nghiên cứu lĩnh vực ảo giác thuộc Đại học Urbino (Ý) cho biết sự thật thú vị này.
Cách đây vài năm, ông đã mời 50 tình nguyện viên tham gia cuộc thí nghiệm, trong đó yêu cầu họ nhìn chằm chằm vào ảnh mình trên gương trong vòng 10 phút tại căn phòng điều kiện ánh sáng rất yếu.
Và điều kì lạ là nhiều trong số họ bắt đầu thấy nhiều điều kì dị chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút.



Gương mặt họ bắt đầu biến dạng và thay đổi theo hướng hình dạng của động vật, quái vật hoặc thậm chí biến thành gương mặt của những người thân đã khuất. Nhưng hiện tượng kì lạ này còn "ghê gớm" hơn khi ông đổi chiếc gương thành người khác.
Caputo đã thử nghiệm với 40 thanh niên và xếp họ ngồi theo từng cặp, mỗi cặp sẽ ngồi trong một căn phòng có ánh sáng yếu, ngồi cách nhau 1 m.
Lượng ánh sáng chỉ được điều chỉnh vừa đủ sao cho những người tham gia có thể thấy chi tiết trên gương mặt đối phương, nhưng khả năng nhận diện màu sắc thì gần như rất khó.
Trong các cặp này, ông chia ra phân nửa, một nửa sẽ ngồi đối diện nhau và nhìn chằm chằm vào nhau; trong khi đó nửa còn lại sẽ ngồi đối lưng vào nhau và nhìn chằm chằm vào tường.
Để muốn kết quả đạt được mức chính xác nhất, những người tham gia đều không được biết về mục đích của cuộc thí nghiệm này.
Sau 10 phút, những người tham gia được yêu cầu trả lời các câu hỏi về trải nghiệm của họ trong phòng, từ đó ông nhận được những hồi âm về các hiện tượng khá thú vị.
Được biết, những người trong nhóm nhìn đối mặt mô tả rằng khả năng nhận diện màu sắc dần biến mất và các hạt vỡ (noise) dần to hơn. Thời gian dường như chậm lại và họ cảm thấy như bị say thuốc.
Thêm vào đó, 90% trong số họ nói rằng gương mặt của người đối diện bị thay đổi, trong đó 75% thấy hình dạng quỷ quái và thậm chí 15% còn lại thấy những đặc điểm trên khuôn mặt người thân bị ghép vào người đối diện.
Khi chúng ta nhìn chằm chằm vào một điểm trung tâm trong một thời gian đủ lâu, các đặc điểm trong một chu vi nhất định sẽ dần biến mất và tạo nên ảo giác, hay còn gọi là trạng thái "phai mờ Troxler".
Nếu một số thông tin thị giác bị thiếu, não bộ của con người sẽ xử lý và lấp vào những chỗ trống này dựa theo những gì mà họ mong đợi hoặc những điều mà họ từng trải qua, ông Caputo cho biết.
Thế giới quanh ta vẫn còn rất nhiều hiện tượng lạ và nhiều điều thú vị cần được giải đáp, và công cuộc thí nghiệm của Caputo là một trong số có thể giúp chúng ta có thể hiểu được thêm về vấn đề ảo giác.

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

9 phim kinh dị nổi tiếng của châu Á

‘Ringu’, ‘A Tale of Two Sisters’ hay ‘Ju-On’ là những tác phẩm rùng rợn kinh điển của điện ảnh châu Á gây tiếng vang trên thế giới và phù hợp để xem vào đêm Halloween.


1. Ringu 

Khi nói đến làn sóng phim kinh dị châu Á, người ta thường nghĩ ngay đến bộ phim này. Ringu là bộ phim mở đường cho phong trào dựng lại (remake) phim kinh dị châu Á ở Hollywood. Cũng giống như người anh em The Ring (2002), phim đạt được thành công vang dội và được khán giả trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt. Ringu là bộ phim kinh dị ăn khách nhất mọi thời đại ở Nhật Bản với doanh thu 12 tỷ yên chỉ riêng thị trường trong nước (tương đương 137 triệu USD - một con số đáng nể đối với ngay cả những bộ phim bom tấn của Hollywood được công chiếu rộng rãi tại nhiều nơi trên thế giới).


Điều quan trọng nhất ở bộ phim là nhân tố tiên phong góp phần giới thiệu phim kinh dị châu Á đến với khán giả phương Tây. Thậm chí sức hút ghê gớm của Ringu còn tạo nên cả một trào lưu hâm mộ thể loại phim này. Bộ phim có cốt truyện khá đơn giản: một cuộn băng video mang một lời nguyền kỳ quái khiến bất cứ ai vô tình xem được sẽ chết trong vòng một tuần. Nhưng đạo diễn Hideo Nakata đã khéo léo lồng ghép, thêu dệt các chi tiết tưởng như lẻ tẻ, vụn vặt để tạo nên một bức tranh kinh dị hãi hùng về nền văn hoá công nghệ hiện đại của Nhật Bản.

Nếu như phiên bản của Hollywood liên tục mang lại sự sợ hãi, tấn công thử thách thần kinh của khán giả, thì Ringu lại xây dựng cảm giác căng thẳng kiểu Alfred Hitchcock cho đến một phân cảnh cao trào cực kỳ đáng nhớ.

2. A Tale of Two Sisters

Bộ phim nói về cô con gái út của một bác sĩ giàu có và mối quan hệ phức tạp của cô bé với người mẹ kế tàn bạo đã được Hollywood dựng lại thành bộ phim The Uninvited vào năm 2009. Tuy nhiên, phiên bản Hollywood không còn giữ được nền tảng tâm lý vững chắc, cũng như không khí mơ hồ, đẹp đẽ, nhưng đầy hoang tưởng và mất phương hướng của bản gốc. Dựa trên câu chuyện dân gian Janghwa, Hongreyon-jon, A Tale of Two Sister nói về cô con gái vị bác sĩ nghĩ rằng người mẹ kế chính là tên thủ phạm máu lạnh đã giết chết chị gái của cô và cô là nạn nhân tiếp theo đang trong quá trình bị săn đuổi.


Kết thúc bất ngờ với việc nhân vật phản diện người mẹ kế thực ra không phải là kẻ giết người như trong tưởng tượng của cô gái (và của cả khán giả) khiến cho người xem muốn xem thêm nhiều lần nữa bởi chỉ cần một chút mất cảnh giác cao độ khi đang theo dõi bộ phim, bạn có rất nhiều khả năng bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng. Chất trữ tình thơ mộng và câu chuyện đầy bi kịch trong ngôi nhà ám ảnh làm người xem liên tưởng đến bộ phim nổi tiếng The Sixth Sense.

3. The Eye

Bộ phim đánh lừa khán giả bằng câu chuyện cảm động về một cô gái trẻ bị mù bẩm sinh được mang lại ánh sáng hy vọng nhờ trải qua một ca cấy ghép giác mạc. Sau khi làm mềm lòng người xem bằng sự đa cảm uỷ mị, bộ phim bất ngờ hé lộ phần thưởng rùng rợn của những gì tưởng như là tốt đẹp ấy. Cũng giống như những bộ phim kinh dị lừng danh khác của châu Á, The Eye đã được Hollywood xây dựng lại vào năm 2008, với diễn xuất của Jessica Alba.


Tuy nhiên, phiên bản Hollywood vẫn đi vào lối mòn của các tác phẩm remake và không chuyển tải hết được những yếu tố chất lượng đặc trưng của phim kinh dị châu Á. Dường như các nhà làm phim Hollywood đã quên mất rằng sự hấp dẫn thực sự của một bộ phim kinh dị không nằm ở những yếu tố máu me mà là ở việc xây dựng nên những tình huống khiến người xem thấy bất ngờ khi phải đối diện với sự kinh hãi tột độ và có thể đặt mình vào vị trí của nhân vật chính.

4. Audition

Với việc mang lại một trải nghiệm kinh hoàng đến mức nhiều khán giả phải nhập viện, rõ ràng Audition không phải là một tác phẩm dành cho người yếu bóng vía. Phim nói về một người đàn ông trung niên goá vợ tổ chức một buổi tuyển diễn viên giả, hòng tìm kiếm một cô gái trẻ hấp dẫn để hẹn hò. Trong số những ứng cử viên triển vọng, ông lại bị mê hoặc bởi một nữ diễn viên múa ballet đã giải nghệ, bất chấp quá khứ đáng nghi ngờ của cô.


Đỉnh điểm của phim là cảnh tra tấn mà nhiều người không ngại ví von rằng nó khiến cho màn tra tấn của Kathy Bates với James Caan trong bộ phim Misery (1990) - một trong những khoảnh khắc đáng sợ nhất trong điện ảnh Hollywood - không khác gì “trò trẻ con!”.

5. Shutter

Shutter khai thác câu chuyện ma quái về bóng ma xuất hiện trong bức ảnh. Tận dụng tính chất độc đáo của nhiếp ảnh, đây là đề tài được các nhà làm phim khai thác triệt để. Trong phim, nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Tun và bạn gái Jane vô tình đâm một cô gái khi trên đường lái xe về nhà. Tun một mực đòi lái xe bỏ chạy, thay vì ở lại trợ giúp cô gái. Kể từ đó, anh và bạn gái phải chứng kiến và trải qua hàng loạt các sự kiện ma quái. Dần dần bí mật về quá khứ của Tun được hé lộ.


Tuy nhân vật phản diện của Shutter là một hồn ma nữ với mái tóc đen dài xõa xượi, vốn đã quá quen thuộc đến mức nhàm chán trong các bộ phim kinh dị, các nhà làm phim Thái Lan đã tạo ra một nhân vật chính với nhiều góc cạnh đặc sắc, không đơn thuần là nhân vật nhạt nhòa, không có nét tính cách nổi trội theo các tiêu chuẩn thông thường của thể loại phim này. Chính chiều sâu và mâu thuẫn của nhân vật Tun đã tạo nên thành công cho bộ phim. Ngoài ra cũng phải kể đến những hình ảnh và hiệu ứng âm thanh rùng rợn khiến cho khán giả thêm phần sợ hãi khi xem.

6. Kairo

Câu hỏi mà bộ phim đặt ra là liệu khoa học kỹ thuật có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai thế giới âm và dương, kết nối người sống và người chết với nhau không. Với đạo diễn Kiyoshi Kurosawa thì chỉ cần một phần mềm máy tính siêu việt cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Một chàng trai chọn cho mình cách giao lưu gặp gỡ bạn bè qua máy tính. Nơi đó anh gặp được những người cũng cô đơn và buồn bã như chính mình. Chỉ có điều một vài người trong số họ còn sống, những người khác đã chết.


Đây là câu chuyện về sự cô đơn và cô lập của con người trong xã hội hiện đại vốn bị tha hoá bởi công nghệ và chủ nghĩa tiêu thụ. Kairo là một bộ phim mang màu sắc ảm đạm và u tối. Chính vì thế, tính chất kinh dị của bộ phim giống như một cơn ác mộng tuyệt vọng hơn là một sản phẩm giải trí máu me giật gân. 4 năm sau khi nguyên tác được trình chiếu, Hollywood dựng lại bộ phim này với tên gọi Pulse (2005). Một lần nữa, các nhà làm phim Hollywood lại lấy đi chất châu Á đặc sắc trong các bộ phim kinh dị và thay thế bằng sự máu me rùng rợn trực tiếp.

7. Ju-On

Ju-On là series phim kinh dị được nhào nặn bởi đạo diễn người Nhật Takashi Shimizu. Mặc dù bị hạn chế về ngân sách, Shimizu luôn tìm được cách tận dụng tối ưu các địa điểm chật hẹp để tạo ra không khí ma quái cho các bộ phim. Ông cũng là một trong những đạo diễn sẵn lòng cho phép các nhân vật hồn ma được xuất hiện trực tiếp trên màn ảnh, điều mà một số đạo diễn luôn tìm cách tránh. Phong cách kể chuyện tối giản của Shimizu được các nhà phê bình và khán giả khen ngợi bởi các cảnh máu me tuy ít khi xuất hiện trong phim nhưng rất đáng chú ý.


Phần thứ 3 của series Ju-On được phát hành quốc tế và gây nhiều tiếng vang hơn cả. Vẫn trung thành với mạch câu chuyện xuyên suốt của toàn bộ series về ngôi nhà bị ma ám, phần này phức tạp hơn, nhiều tầng lớp hơn, và cũng đáng sợ hơn. Sau thành công rực rỡ của phần 3, Shimizu bắt tay vào thực hiện các phiên bản Hollywood của Ju-On. Tuy không phải thất bại hoàn toàn, nhưng những bộ phim này vẫn chưa xứng tầm với người “anh em” Nhật Bản.

8. The Host

Lấy cảm hứng từ một vụ bê bối có thật của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, đạo diễn Bong Joon-ho tưởng tượng và viết nên câu chuyện về thảm hoạ có thể xảy ra nếu những chất độc hoá học bị thải xuống sông Hàn tạo ra một thực thể sống to lớn và đáng sợ như quái vật ngoài hành tinh.


Bộ phim bình luận, châm biếm về sự có mặt của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, về đại dịch SARS, về hoàn cảnh của tầng lớp bình dân Hàn Quốc, về những vấn đề của cuộc sống gia đình thời hiện đại. Nhờ hiệu ứng đồ hoạ xuất sắc, The Host giống như một sự kết hợp của ba tác phẩm - Godzilla, King Kong và Cloverfield.

9. Dark Water

Dark Water là một kiệt tác khác của Hideo Nakata và đội ngũ cộng sự đã tạo ra thành công của Ringu. Bộ phim kế thừa tâm trạng và bầu không khí hồi hộp, hấp dẫn, đáng sợ của Ringu và Joyuu-rei - tác phẩm đầu tay ghi dấu ấn của Nakata đối với thể loại phim kinh dị.


Phim là câu chuyện về tình yêu và sự tuyệt vọng. Không có yếu tố máu me ghê rợn, sức mạnh và sự kinh dị của Dark Water nằm ở những góc khuất bí ẩn của tâm lý. Những sự vật bình thường trong cuộc sống, dưới bàn tay nhào nặn khéo léo của Nakata, bị tước đi cảm giác an toàn vốn có và trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết.

Nguồn: internet.